Cách thức quản lý cảm xúc

06/01/2021

Đôi khi em bị stress, em thường hay bị nóng tính và thỉnh thoảng em cũng không thể nào kiềm chế được bản thân mình. Em biết rằng đây là một tính xấu khi học ở môi trường nội trú. Vậy chương trình có thể cho em biết cách để khắc phục được không ạ. Em chân thành cảm ơn! – Học sinh nam, lớp 10

Chàng trai thân mến,

Đôi khi em thấy khó kiểm soát cảm xúc, nóng nảy và căng thẳng. Những cảm xúc ấy mang đến phần nào khó khăn cho em khi sống trong môi trường nội trú. Vì thế, như bao nhiêu người có mong muốn phát triển bản thân theo hướng tốt đẹp hơn, em cũng đang tìm kiếm cho mình một phương thức để hoá giải những điểm chưa như ý này!

Em ạ, quản lý cảm xúc là cách thức giúp chúng ta cân bằng cảm xúc của mình, bao gồm nhận diện, thừa nhận, lý giải. Từ đó, có những lời nói và hành động phù hợp với hoàn cảnh. Để đạt được sự cân bằng cảm xúc ấy, em có thể tham khảo những hướng dẫn cụ thể sau đây:

Bước 1: Chú ý nhắc bản thân: Dừng lại để lắng nghe cảm xúc mình đang có (buồn, vui, tức giận, phẫn nộ, xấu hổ, …). Gọi tên những cảm xúc mình nhận diện. Nói với bản thân: “Mình đang thấy bực quá.” Hoặc “Ôi, mình vui quá đi thôi”. Đây cũng là cách hay để thêm một lần lắng nghe, định hình cảm xúc đang hiện hữu.

Bước 2: Chấp nhận cảm xúc, không phán xét, đánh giá. Để làm được điều này, chúng ta cần thừa nhận những cảm xúc mình có là phù hợp với hoàn cảnh. Mỗi cảm xúc đều có ý nghĩa riêng. Vì thế, việc được chấp nhận đôi khi đã đủ để cảm xúc ấy dịu nhẹ hơn. Ngược lại, nếu ta cho rằng cảm xúc tiêu cực là sai và cố gắng loại bỏ. Chúng sẽ càng tích tụ và gây cảm giác khó chịu.

Bước 3: Nhận diện nguyên nhân dẫn đến các cảm xúc đó: “Mình vui vì cả phòng hôm nay đã cùng nhau trò chuyện rất vui vẻ”; “Mình giận vì bạn cùng phòng để đồ đạc quá bừa bãi.” Em thấy đấy, cảm xúc cũng có căn nguyên của nó. Trên cơ sở những căn nguyên ấy, chúng ta sẽ hiểu hơn về quy luật cảm xúc của bản thân. Từ đó, có giải pháp phù hợp cho các tình huống dễ gây cảm xúc tiêu cực, phát triển các bối cảnh để mang lại cảm xúc tích cực cho bản thân, phải không em?

Bước 4: Bên cạnh đó, những người có mong muốn quản lý tốt cảm xúc của mình cũng thường sử dụng một số kỹ thuật sau: Hít thở sâu, thật đều và đếm hơi thở. Lấy một cốc nước và uống từng ngụm nhỏ. Hơi thở được bình ổn, cơ thể được cấp nước cũng tác động để cảm xúc ổn định hơn. Nếu có cảm giác căng thẳng, việc massage bằng cách làm nóng đôi bàn tay của mình và xoa bóp vào các vị trí cơ thể hay căng tức như: cổ, vai, gáy, lưng… sẽ giúp các cơ được giãn ra. Khi đó, tâm trí và cảm xúc cũng được thả lỏng hơn đấy chàng trai ạ.

Ngoài ra, việc tưởng tượng về một khung cảnh bản thân thấy yêu thích – nơi chúng ta hoàn toàn có quyền kiểm soát mọi thứ, không ai có thể tác động tiêu cực, cũng là cách để tạo bình an cho tâm trí. Hoặc viết ra những lời tự nhủ tích cực: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”, “mình sẽ cố gắng và sẽ làm được”, “mình sẽ hòa hợp được với các bạn cùng phòng…” là giải pháp để mỗi chúng ta tin tưởng, tạo động lực và có cảm xúc tích cực cho chính mình. Thêm vào đó, để cảm xúc được cân bằng hơn sau quá trình học tập căng thẳng, mỗi người cũng cần dành thời gian cho bản thân, làm những việc mình yêu thích như: tham gia các câu lạc bộ, tập luyện thể dục thể thao… em nhé!

Bước 5: Khi thấy cảm xúc bình ổn hơn là lúc nguyên nhân vấn đề được giải quyết. Đây là lúc đưa những cảm xúc mình đã thừa nhận ra bên ngoài một cách cẩn trọng như Ajahn Chah nhắc nhở: “Hãy hiểu và quan sát tâm mình. Cái tâm trong trắng nhưng cảm xúc đến tô màu cho nó. Vậy nên hãy khiến tâm trí bạn trở thành cái lưới mắt khít để bắt lấy cảm xúc và tình cảm nảy sinh, và tìm hiểu chúng trước khi phản ứng”.

Theo đó, thay vì phản ứng ngay lúc nóng giận và mắng bạn cùng phòng, em có thể nói: “Mình thấy không thoải mái khi sáng nay bạn để đồ đạc quá bừa bộn. Việc này khiến cho cả phòng bị nhắc nhở và bị phạt nội vụ cả tuần. Bạn chú ý để gọn gàng hơn nhé!”. Việc bắt đầu với cảm xúc của mình, lý giải nguyên nhân và hướng giải quyết vấn đề là cách em vừa thừa nhận cảm xúc, vừa giúp người xung quanh hiểu được điều họ cần thay đổi và cách thức thay đổi (nếu cần). Trên cơ sở của việc chia sẻ thẳng thắn, cả hai sẽ hiểu nhau hơn để tránh vấn đề lặp lại trong tương lai.

Môi trường nội trú là một xã hội thu nhỏ. Sự đa dạng tính cách, lối sống, văn hóa, đôi khi sẽ khiến mỗi người cảm thấy khó khăn. Song, đây cũng là bước đệm tuyệt vời để mỗi chúng ta có thể học cách hoà nhập, thích nghi. Xã hội ngoài kia có rất nhiều vấn đề rộng lớn, nên những bài học, những điều rút ra được từ xã hội thu nhỏ sẽ khiến mỗi chúng ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn khi bước vào xã hội lớn.

Cô tin em sẽ là một chàng trai vững vàng và luôn sẵn sàng tiến về phía trước!

Tin cùng chuyên mục