Thầy giáo THPT FPT Đà Nẵng sáng tạo bộ kit thực hành giúp học sinh “nâng trình” tin học
05/10/2021
Thầy Trần Ngọc Linh (GV Tin học, Trường THPT FPT Đà Nẵng) sáng tạo bộ kit thực hành Arduino giúp những bài học lập trình trở nên thú vị, hữu ích và nhiều trải nghiệm hơn với học sinh.
Tiết học của những “tay lái măng non”
Gọi lớp học của thầy Linh là “trường đua” của những “tay lái” bởi ở đó, học sinh được thỏa sức sáng tạo, lắp ráp và trang trí xe đua, sau đó lập trình phần mềm để những mô hình này có thể trơn tru lăn bánh… Không còn canh cánh nỗi lo 15 phút đầu giờ kiểm tra bài cũ, cũng chẳng cần chuẩn bị đủ giấy, bút mỗi giờ kiểm tra, học sinh học giờ Tin học của thầy Linh chỉ cần tìm cách để xe đua của mình hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn là đạt ngay điểm 10 tròn trịa.
Những mô hình xe đua tự chế này được phát triển dựa trên nền tảng là bộ kit thực hành Arduino – “phát minh” của thầy giáo trẻ Trần Ngọc Linh (SN 1997). Quá trình giảng dạy môn Arduino (1 nền tảng mã nguồn mở được sử dụng để xây dựng các dự án điện tử) khiến thầy Linh nhận ra học sinh có quá nhiều kiến thức cần thu nạp. “Các bạn vừa phải học lý thuyết lập trình vừa phải hiểu rõ các thông số về module, điện… nên gặp không ít khó khăn. Mình nghĩ cần một giải pháp nào đó để “mềm hóa” kiến thức, giúp học sinh thêm hứng thú học tập và phát huy tối đa năng lực sáng tạo” – Thầy Linh cho biết.
Trên thị trường hiện nay, những bộ kit thực hành Arduino không phải là “hàng hiếm”, nhưng hầu hết chỉ phù hợp cho sinh viên đại học hoặc trung cấp chuyên nghiệp sử dụng bởi các bạn đã có kiến thức cơ bản về điện tử cũng như lập trình. Thiết kế một bộ kit chuyên biệt dành cho học sinh THPT, thầy Linh đã phải dành hàng tháng trời để nghiên cứu, gia công, lựa chọn và kiểm thử linh kiện sao cho phù hợp nhất. Giáo viên trẻ này luôn tâm niệm mỗi bộ kit đến tay học sinh đều phải thật chỉn chu, không để lọt dù một sai sót nhỏ.
Bộ kit gồm 2 phần chính là board điều khiển và khung xe. Trong đó, board điều khiển có thể gắn chip Arduino UNO hoặc Arduino NANO. Trên board điều khiển có các hàng chân cắm sẵn để học sinh dễ dàng kết nối với module ngoại vi. Ngoài ra còn tích hợp sẵn các thành phần cơ bản như nút nhấn, Led, module DS1307 (thời gian thực), module thu phát sóng 2.4Ghz, cảm biến sáng LDR. Với những linh kiện sẵn có này, học sinh có thể thực hành với hầu hết các bài học về Arduino.
Phần khung xe là một board mạch gắn được các động cơ, pin, mạch điều khiển, mạch sạc… Mục đích của khung xe là kết hợp với board điều khiển giúp học sinh có thể dễ dàng hoàn thành project đầu tiên của môn Tin học – xe điều khiển từ xa. Ngoài ra với thiết kế mở, tích hợp sẵn pin và mạch điều khiển, học sinh có thể sử dụng các loại máy tính nhúng để làm những project phức tạp hơn như xe tự hành camera, robot… Nếu đã có kiến thưc cơ bản về lập trình, các bạn chỉ mất khoảng 1 ngày để hiểu cấu tạo bộ kit và tạo ra 1 chiếc xe điều khiển từ xa, thậm chí có thể tổ chức giải và đưa “ngựa chiến” của mình ra thi đấu.
“Bộ kit giúp mình và các bạn học Arduino dễ dàng hơn rất nhiều. Giờ học với thầy Linh thú vị và thân thiện lắm, hoàn toàn không có áp lực gì” – Bạn Phan Hiền Thảo Nhi (HS Trường THPT FPT Đà Nẵng) hào hứng kể
Chuyển mình để thích ứng với “mùa online”
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học trực tuyến đang là phương pháp được triển khai ở hầu khắp các cơ sở đào tạo, trong đó có Trường THPT FPT Đà Nẵng. Lớp Tin học của thầy Linh từ sôi động, hào hứng với những tiết dạy lập trình, “đua xe” trực tiếp nay buộc phải tìm cách thay đổi, làm mới để phù hợp với hình thức học online.
“Do chưa được đến trường tận tay thực hành bộ kit nên hiện tại, các bạn học sinh sẽ tìm hiểu kiến thức và tập làm quen trước với ngôn ngữ Python. Tuy nhiên, dù online hay offline thì học sinh cũng nên học cách tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Lượng kiến thức mà giáo viên cung cấp đến cho các bạn chỉ khoảng 20-30% và hầu hết sẽ là những keyword. Việc còn lại của các bạn là tự tìm kiếm qua Internet, sách vở hay từ chính cuộc sống. Trên cơ sở đó, các bạn tự hình thành những hiểu biết, kỹ năng cho mình” – Thầy Linh chia sẻ.
Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh, thầy cô lo lắng đó là việc học trực tuyến dễ khiến học sinh lơ là, lười nhác, dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Để hạn chế tình trạnh này, phương pháp của thầy Linh đó là thường xuyên giao bài tập về nhà và kiểm tra, tuy nhiên chỉ giao 1-2 bài mỗi lần, tập trung vào kiến thức trọng tâm để đảm bảo các bạn vẫn nhớ bài và không “ngáp ngắn ngáp dài” mỗi khi làm bài tập.
“Mình thường không giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh. Các bài tập của mình đều đi vào trọng tâm kiến thức nên nếu trong buổi học các bạn chú ý nghe giảng thì chỉ mất khoảng 5-10 phút để hoàn thành. Nếu bạn nào lỡ quên hoặc lơ là trong giờ học thì đây chính là lúc các em có thể tự ôn tập lại kiến thức được. Ngoài ra sẽ có nhiều bài kiểm tra, quiz nhỏ trong giờ để tạo cơ hội cho các bạn lấy điểm cộng khuyến khích, vừa chơi vừa học như thế sẽ giúp không khí lớp học thêm sôi nổi, khơi gợi cảm hứng học tập cho các bạn hơn”, thầy Linh bật mí.
Nếu tiếp cận môn Tin học chỉ với mục đích vượt ải thi cử, kiểm tra sao cho qua môn thì nhiều bạn sẽ luôn nghĩ rằng đây là một môn “khó nuốt”, học trước quên sau. Nhưng nếu có phương pháp học tập hiệu quả và thông minh, học đi đôi với trải nghiệm như phương pháp của thầy Linh thì ai cũng sẽ thấy điều hoàn toàn ngược lại. “Giải mã” một môn học khó bằng những cách làm sáng tạo và độc đáo, giờ Tin học của thầy giáo trẻ Trần Ngọc Linh dù học trực tiếp hay trực tuyến vẫn khiến học sinh Trường THPT FPT Đà Nẵng thích mê.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.
Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
(Ảnh: Phạm Quân)