Chương trình phát triển cá nhân
Với mục tiêu đào tạo và phát triển học sinh toàn diện, ngay từ khi thành lập, Trường THPT FPT đã xây dựng và triển khai Chương trình Phát triển cá nhân (PDP – Personal Development Program) nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa, không chỉ biết duy nhất việc học văn hoá, mà còn có cuộc sống tinh thần phong phú, có thể chất và ý chí, có đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Chương trình PDP mang lại cho học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể học tập, và sau này là làm việc hiệu quả trong thời đại toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, nơi sự thành công của con người phụ thuộc rất lớn vào các kỹ năng mềm và hiểu biết xã hội.
Mục tiêu của chương trình Phát triển cá nhân PDP
Mục đích của chương trình Phát triển cá nhân là giúp học sinh phát triển tối đa khả năng của bản thân, trang bị những kĩ năng sống, cũng như những kiến thức văn hóa, xã hội cho các em trong thời đại toàn cầu hóa. Quan trọng nhất, Chương trình PDP hướng đến việc vun đắp tâm hồn cũng như thẩm mĩ cuộc sống, khả năng thích nghi và tôn trọng môi trường đa văn hóa.
Theo đó, mục tiêu cuối cùng của chương trình phát triển cá nhân PDP tại Trường THPT FPT là muốn đào tạo học sinh làm tốt được các vai trò:
- Well-being individual – Là một cá nhân sống tốt và hạnh phúc
Đây là nội dung bao hàm nhiều hoạt động nhất của Chương trình PDP, hướng tới trang bị cho học sinh các kỹ năng cá nhân cần thiết, khả năng tự lập, và đặc biệt là giúp các em hiểu rõ về bản thân mình hơn. Theo đó, môn học Self Awareness sẽ giúp học sinh khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân, hiểu được bản thân mình mong muốn điều gì, mạnh yếu ở điểm gì, kiểm soát được cảm xúc cá nhân… từ đó phát triển được đúng hướng. Nội dung các môn học, hoạt động ở nội dung này bao gồm các mảng chính như:
- Giáo dục thể chất
- Kỹ năng cá nhân
- Hoạt động phát triển tinh thần
- Phát triển và nuôi dưỡng tâm hồn, đam mê, các hoạt động nghệ thuật
- Life-long learner – Là một người có thái độ và thực hành việc học tập suốt đời.
Giúp trang bị cho học sinh tư duy nền tảng để học tập và học tập suốt đời. Theo đó học sinh được trang bị các kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả, cách tìm kiếm và khai thác thông tin. Một điểm nhấn ở nội dung này là “Critical Thinking” – Tư duy phản biện. Ở năm lớp 10, học sinh được tiếp cận dần với “Tư duy phản biện” thông qua các lớp học, hoạt động giúp học sinh có khả năng nhìn nhận vấn đề ở nhiều chiều từ đó gia tăng khả năng sáng tạo, cảm thông và chấp nhận những suy nghĩ và quan điểm khác nhau trong cuộc sống, tìm ra được chính kiến của cá nhân và không bị chìm đắm trong những nguỵ biện khi tranh luận. Đến năm lớp 11, học sinh sẽ được học các lớp học về khả năng tranh biện, cách đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm với những luận cứ, luận điểm phù hợp. Trong giáo dục nói chung, Critical Thinking – Tư duy phản biện được coi là nền tảng của việc học tập suốt đời.
- Good Vietnamese Citizen – Là một công dân Việt Nam tốt
Môn Giáo dục công dân (Citizenship) được đưa vào chương trình đào tạo với hình thức và cách tiếp cận được cải tiến, đi vào thực tế, không hình thức. Học sinh sẽ được học và có các hoạt động trải nghiệm bổ trợ để tìm hiểu về đất nước, lịch sử, địa lý, pháp luật, các thể chế nhà nước… Đặc biệt có các nội dung về Giá trị sống – Living values giúp nuôi dưỡng các giá trị tâm hồn, hướng thiện.
Phương thức triển khai
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chương trình Phát triển cá nhân PDP được xây dựng với nhiều hoạt động lý thú, hấp dẫn, và được lồng ghép vào toàn bộ hệ thống giảng dạy của nhà trường, song hành với chương trình đào tạo. Phương thức triển khai chương trình PDP cũng được đa dạng hoá, từ các lớp học chính quy, tới các hoạt động ngoại khoá, nhằm tạo môi trường cho học sinh được học tập, trải nghiệm và thực hành những gì được học, biến những tri thức được dạy trở thành kỹ năng thực tế của học sinh.
Các phương thức triển khai tiêu biểu:
- Lớp học chính khóa
Một số nội dung quan trọng được đưa vào giảng dạy dưới hình thức môn học chính khoá về từng lớp với giáo viên chuyên trách. Các nội dung này chủ yếu liên quan tới kỹ năng cá nhân ( kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian, các giá trị sống, tài chính cá nhân…), hay các lớp học về phương pháp học tập, phương pháp tư duy (kỹ năng đọc viết, tìm kiếm thông tin, cách sử dụng sơ đồ tư duy, kỹ năng làm dự án, tư duy phản biện…).
- Workshop – Buổi nói chuyện chuyên đề
Song song với các lớp học chính khoá là các buổi workshop, nói chuyện với các chuyên gia, người nổi tiếng… trong nhiều lĩnh vực, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức nền tảng về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử chính trị xã hội, các vấn đề thời sự trong nước và các chủ đề chung trên toàn thế giới. Hình thức này sẽ giúp cung cấp thông tin, kiến thức theo hướng sinh động và hấp dẫn hơn, đồng thời gợi mở sự quan tâm, thích thú, chủ động tìm tòi và chia sẻ của các em đối với những chủ đề này.
- Lớp học nghệ thuật
Không chỉ thông qua các lớp học chính khóa, Chương trình phát triển cá nhân còn thiết kế những lớp học nghệ thuật ngắn hạn với nhiều lựa chọn phong phú: Ảo thuật, kịch, thanh nhạc, handicraff, nhiếp ảnh, thiết kế, làm phim, hiphop, popping, Bboy… Các khóa học là cái nôi khuyến khích các em phát huy năng khiếu của mình, mạnh dạn khám phá bản thân, thể hiện cái tôi, biết tôn trọng sự khác biệt, phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo. Học cũng là thư giãn, trải nghiệm, là thử thách, khám phá bản thân và biết đâu là tìm cho mình một đam mê, một nghề nghiệp.
- Hoạt động phong trào – CLB
Để tạo môi trường cho học sinh thực hành và ứng dụng các kỹ năng, kiến thức mình được học, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá cuộc thi, các câu lạc bộ sở thích, CLB thể thao, học thuật… Các hoạt động này sẽ được tổ chức theo hình thức “vừa học vừa chơi”, giúp học sinh có cuộc sống sôi nổi, đồng thời có thể vận dụng, thiết lập các kỹ năng cá nhân, nguyên tắc ứng xử, tăng tinh thần đoàn kết. Đây cũng là cơ hội để học sinh tìm hiểu thêm các kiến thức về văn hoá, đời sống, trải nghiệm công việc thực tế như tổ chức sự kiện, làm các dự án xã hội, các công việc từ thiện, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng… Đây là một phần nằm trong phương pháp “học qua trải nghiệm” được áp dụng triệt để tại Trường trung học phổ thông FPT.
Tin bài liên quan: